Chiều ngày 03/12, tại UBND huyện Cần Giờ, đoàn công tác của Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, do PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường đến thăm và làm việc với UBND huyện Cần Giờ và một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Cần Giờ bàn về phát triển vùng nguyên liệu nông nghiệp phục vụ chế biến làm thực phẩm trên địa bàn huyện.

Đồng chí Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, giới thiệu tổng quan về các thế mạnh vùng nguyên liệu nông nghiệp của huyện.

Huyện Cần Giờ có diện tích tự nhiên là 70.421,58 ha, với đất cát khoảng 6.704 ha (chiếm 9,52%), đất mặn 25.559 ha (chiếm 36,29 ha), phần còn lại là đất phèn (chiếm 54,19%); diện tích rừng ngập mặn Cần Giờ trên 33.000 ha (chiếm trên 45% diện tích tự nhiên của huyện), có trên 20.000 ha mặt nước biển sử dụng cho đánh bắt thủy hải sản gần bờ, 10.000 ha đất và mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn và gần 1.500 ha đất sản xuất muối.

Cần Giờ có vị trí đặc biệt quan trọng đối với thành phố về kinh tế, quốc phòng, là cửa ngõ ra biển Đông, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển và các loại hình dịch vụ. Với đặc điểm địa hình là vùng trũng thấp, thổ nhưỡng là phèn và mặn chiếm tới 56,7% diện tích nên huyện Cần Giờ không có lợi thế sản xuất nông nghiệp, nền đất yếu gây khó khăn cho xây dựng cơ sở hạ tầng; phần lớn thổ nhưỡng Cần Giờ thích hợp cho phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn, cùng với bờ biển dài tới trên 20 km, hệ thống sông ngòi chằng chịt phủ khắp các mảng rừng phòng hộ rộng lớn là cơ sở để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, phát triển thủy sản là 02 ngành kinh tế chủ lực của huyện, tạo ra nguồn thu nhập cho phần lớn cư dân Cần Giờ.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, cám ơn những chia sẻ rất cụ thể của UBND huyện Cần Giờ về những thế mạnh của huyện, đồng thời trường nhất trí đưa ra một số cam kết: Thứ nhất, sẽ phối hợp với UBND huyện và các doanh nghiệp tổ chức nghiên cứu đề tài theo hướng chuyển giao công nghệ sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu trên địa bàn huyện Cần Giờ để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Cần Giờ đối với các loài nhuyễn thể (hàu, nghêu, sò)… Thứ hai, nghiên cứu chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng từ loài giáp xác. Thứ ba, nghiên cứu chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng từ tổ yến. Thứ tư, nghiên cứu đề tài về công nghệ chế biến muối gia dụng (muối ớt, muối tiêu, muôi tôm…) có hương vị đặc trưng riêng và nghiên cứu công nghệ chế biến muối dược liệu dùng trong y học. Thứ năm, nghiên cứu sơ chế, chế biến thực phẩm ăn nhanh từ các loại rau, lá, trái trong rừng ngập mặn: như dạng Snack, chế biến thành tinh bột hoặc dùng làm mức từ các loại trái cây rừng như bần, nhàu… Thứ sáu, nhà trường nghiên cứu và triển khai một số khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản và chế biến thực phẩm có giá trị gia tăng cho bà con nông dân huyện.

TT TS&TT